Bệnh nhi N.Q.H. (11 tuổi, Hà Nội) mới nhập viện và đang chờ phẫu thuật do tình trạng thận ứ nước. Mẹ bệnh nhi cho biết, ngay từ khi mang bầu bé, các bác sĩ đã chẩn đoán thận thai nhi có dị tật cần lưu ý và thăm khám, theo dõi thường xuyên.
Tuy nhiên, khi con chào đời không có biểu hiện gì bất thường nên gia đình cũng bỏ qua việc thăm khám thường xuyên. Khoảng 2 tháng trước, thấy con hay kêu đau bụng nhưng thoáng qua, lúc đau, lúc hết, chị cũng không nghĩ con bị bệnh nghiêm trọng mà chỉ nghĩ rối loạn tiêu hóa thông thường.
"3 tuần trước, khi con bị nôn kèm đau bụng, gia đình đưa con đi khám, bác sĩ phát hiện bất thường vùng thận phải phẫu thuật", mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Còn với chị N.T.H. (Cao Bằng) đang chăm con chờ phẫu thuật cho biết, từ khi sinh ra, chị đã được bác sĩ thông báo con bị tình trạng thận ứ nước. Lúc được một tuổi, con đã khám ở Hà Nội một lần. Bẵng 2 năm qua ảnh hưởng dịch, chị không đưa con đi khám được. Lần này nhập viện, bác sĩ chẩn đoán khả năng lớn bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), đây chỉ là 2 trong số nhiều bệnh nhi đang theo dõi tình trạng thận ứ nước tại khoa.
"Thận ứ nước là bệnh bẩm sinh, nhiều trẻ được phát hiện khi còn là bào thai, bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Vì vậy, khi phát hiện ra bệnh, nếu trẻ phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi cao, ngược lại can thiệp muộn sẽ làm giảm chức năng thận, có thể dẫn tới suy thận sau này", TS Hoa thông tin.
Ngoài ra, tình trạng dị tật đường tiết niệu cũng rất đáng chú ý. Cùng với thận ứ nước, đây là căn bệnh có thể can thiệp điều trị bằng phẫu thuật. Trẻ được phẫu thuật sớm bệnh sẽ khỏi và cuộc sống trở lại bình thường, nếu để lâu, kéo dài, ảnh hưởng đến chức năng của thận và dẫn đến suy thận.
TS Hoa lưu ý thêm, có những trẻ bị thận ứ nước nhưng không biết do biểu hiện bệnh âm thầm, dần gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý cho con đi khám, tái khám khi đã được chẩn đoán bệnh. Việc can thiệp càng sớm càng mang lại hiệu quả điều trị cao cho trẻ.
TS Hoa cũng cảnh báo thêm bệnh ẩn tinh hoàn ở trẻ em nam và dị tật lỗ tiểu thấp chiếm 1/300 trẻ trai. Đây là bệnh lý bẩm sinh, trẻ cần được can thiệp sớm để tránh việc tinh hoàn lạc chỗ làm ảnh hưởng đến tinh hoàn, thậm chí teo tinh hoàn.
TS Hoa thông tin, mỗi năm, Khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh thực hiện khám cho khoảng 10.000 trẻ và thực hiện trung bình 2.000 ca mổ/năm, trong đó có nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp. Nhiều dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ như tim mạch, thần kinh, chi… được phát hiện từ khi trước sinh và can thiệp ngay khi sinh.
Nhằm phát hiện các bệnh lý ở trẻ, ngày 21/5, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) tổ chức chương trình Khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý thường gặp ở trẻ em.
Chương trình diễn ra trong cả ngày tại phòng khám số 258 - Tầng 2 nhà C2 - Khu Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhi đến khám sẽ được khám, tư vấn, chụp X-quang và siêu âm miễn phí nhằm phát hiện các bệnh lý thường gặp như: Phát hiện sớm các khối u; Các dị tật sinh dục; Các bệnh lý thận tiết niệu; Bệnh lý tiêu hóa; Các dị tật tay, chân, lồng ngực…