Đã vào tháng 5 nhưng miền Bắc vẫn trải qua những đợt mưa rét vì không khí lạnh hiếm gặp. Kiểu thời tiết bất thường cũng đã dẫn đến tình trạng: Ngay trong những tháng hè, nhưng lại có nhiều người dân phải vào bệnh viện thăm khám vì "bệnh mùa đông".
Là một người mẹ đưa con đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) để thăm khám, chị N.T.L. (30 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Cách đây một tuần, con tôi xuất hiện tình trạng da bị viêm, đỏ. Gia đình đã tự mua thuốc bôi ngoài da để chữa cho cháu nhưng tình trạng không thuyên giảm. 1 - 2 ngày trở lại đây, cháu quấy khóc suốt vì ngứa nên chúng tôi quyết định đưa cháu đi khám".
Trao đổi với Dân trí, BSCKII Hoàng Thị Phượng - Trưởng khoa Điều trị Nội trú ban ngày, chia sẻ: "Bệnh nhân đến khám trong thời gian gần đây chủ yếu mắc các bệnh như: ghẻ, viêm da cơ địa, nấm da. Đáng chú ý, năm nay dù đã mùa hè nhưng thời tiết thay đổi thường xuyên, có những đợt lạnh, gió rét bất thường, nên đã cuối tháng 5 mà các bệnh da mùa đông vẫn gặp nhiều".
Điển hình là bệnh viêm da cơ địa. Theo BS Phượng, viêm da cơ địa là bệnh mạn tính và thường chỉ nặng vào những tháng mùa đông khi trời lạnh, khô hanh, nhưng đến nay, số lượng bệnh nhân đến thăm khám vẫn không thuyên giảm là bao so với đợt cao điểm.
"Qua thực tế công tác thăm khám của tôi, vào giai đoạn này những năm trước, rất hiếm gặp bệnh nhân viêm da cơ địa phải đến viện, thi thoảng chỉ có vài ca và thường là các cháu nhỏ hoặc các dạng không điển hình của viêm da cơ địa. Tuy nhiên, giai đoạn này, cứ 30 bệnh nhân mà tôi khám, có đến 10 trường hợp viêm da cơ địa vì thời tiết thất thường", BS Phượng cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, các bệnh nhân đến khám viêm da cơ địa trong thời gian vừa qua có nhiều trẻ em dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, cũng có một tỷ lệ lớn bệnh nhân là người trưởng thành (bao gồm cả những người chỉ làm ở văn phòng) bị á sừng bàn tay, bàn chân (một dạng viêm da cơ địa).
Ngoài viêm da cơ địa, nấm da cũng là một mặt bệnh gặp nhiều trong giai đoạn vừa qua.
"Nấm da thường hay gặp khi thời tiết nồm ẩm. Giai đoạn vừa qua, không chỉ có những đợt rét bất thường mà còn mưa rất nhiều. Do đó, số lượng bệnh nhân nấm da tăng cao", BS Phượng cho hay.
Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?
Theo BS Phượng, viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính. Do đó, điều trị chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là tư vấn, đồng thời, chăm sóc cho bệnh nhân và người nhà cách tránh cho bệnh tái phát.
"Ví dụ như chúng tôi sẽ tư vấn người dân phải dùng các loại sữa tắm không có xà phòng và có thành phần làm ẩm kèm theo. Bệnh viêm da cơ địa giống như làn da bị mất kết nối nên da rất khô. Do đó, việc bôi dưỡng ẩm và các chất làm mềm da là cực kỳ quan trọng. Việc này giúp da không bị khô và mềm mại hơn, từ đó giúp tình trạng bệnh không bị nặng lên. Bên cạnh đó, viêm da cơ địa là một dạng dị ứng nên bệnh nhân cần tránh các dị nguyên. Bệnh nhân cần tránh xà phòng, chất tẩy rửa, trang phục có chất liệu len, dạ, hạn chế tiếp xúc phấn hoa, lông chó mèo", BS Phượng khuyến cáo.
BS Phượng cũng lưu ý, một làn da khỏe đẹp là một làn da mềm mại, đều màu, đàn hồi tốt không có dấu hiệu bong tróc, viêm da, bong vảy… Khi có dấu hiệu bất thường trên da như: viêm, đỏ, bong tróc trên da…, tùy vào diện tích và mức độ tổn thương để có hướng xử trí phù hợp.
"Với tổn thương ít thì bệnh nhân có thể chăm sóc bằng các loại kem dưỡng. Tuy nhiên, với tổn thương nhiều (thường trên 3% diện tích da) hoặc ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống như: ngứa, mất ngủ thì cần đến các cơ sở khám bệnh có bác sĩ da liễu để được khám và điều trị kịp thời", BS Phượng nhấn mạnh.